Nhà thờ kết cấu kiểu chữ "nhị" gồm tiền đường và hậu cung. Trải qua những thăng trầm của lịch sử cũng như sự tàn phá của chiến tranh, tồn tại đến nay nhà thờ họ Đàm còn bảo lưu một số di vật như: cuốn gia phả chữ Hán được sao lại năm Khải Định thứ 9 (1924); một cỗ ngai thờ nghệ thuật thế kỷ XIX và hệ thống các hoành phi câu đối bằng gỗ được sơn son thếp vàng, chạm trổ công phu, tỉ mỉ với các đề tài tứ quý, rồng, mây, hoa, lá... nhằm giới thiệu về dòng họ cũng như những lời răn dạy của tổ tiên, các đời cho con cháu dòng tộc duy trì, phát huy và gìn giữ truyền thống của gia tộc.
Gia phả họ Đàm ghi chép công phu qua nhiều đời, tính từ đời cụ tổ Đàm Duy Thạch đến nay, họ Đàm ở thôn Xuân Dục đã truyền được 24 đời, trở thành một dòng họ có truyền thống lâu đời. Theo phả ước của Đàm Tộc ngũ chi họp tại nhà thờ Đàm Công ở Kim Bảng vào năm 1997, gia tộc họ Đàm thôn Xuân Dục phát động phong trào khuyến học, bằng sự nỗ lực của các con cháu, các gia đình đã tạo điều kiện và sự động viên của toàn gia tộc, nhiều gương sáng vượt khó học giỏi, phát huy truyền thống hiếu học của cụ Tổ và tiền nhân, các gia đình trong gia tộc rất coi trọng việc học hành của con cháu với khẩu hiệu: "Noi gương cụ Tổ, rèn đức hiếu học, luyện tài".
Ngày nay, con cháu trong gia tộc vẫn tiếp tục phát huy truyền thống của ông cha với nhiều người đỗ đạt cao, có cống hiến trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, gia tộc họ Đàm đã có những người con hy sinh cả cuộc đời mình để bảo vệ Tổ quốc, có một mẹ Việt Nam anh hùng (bà Ngô Thị Lộc). Xã Yên Thường là một trong những xã đầu tiên được Thành phố phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", thành tích đó có sự đóng góp tích cực của thôn Xuân Dục trong đó có sự góp sức của dòng họ Đàm.
Năm 2008 nhà thờ họ Đàm đã được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định công nhận là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật.